Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hát giao duyên của người Tày

      Hát giao duyên hay còn gọi là hát Quan làng là tiếng hát tình yêu trai gái Tày. Hát giao duyên là lối hát trong một không gian xã hội rộng lớn và chỉ có một tục thức hát theo mùa không tuỳ hứng. Đây là sự khác biệt giữa hát giao duyên với các loại hát thông thường. Hát giao duyên là hát phong tục cùng với phong tục hát cưới, hỏi của đồng bào Tày.

      Hát giao duyên phổ biến vào mùa xuân, từng nhóm trai gái gặp nhau đi chơi xuân, nếu người con trai muốn làm quen với người con gái mới nhìn thấy lần đầu trong một đám hội, hay bỗng dưng gặp nhau trên một đoạn đường thì không cần phải có người giới thiệu cứ tới gần rồi cất lên giọng hát vu vơ: “Em gái mặc áo màu hồng/ Hỏi xem em đã có chồng hay chưa”. Cô gái mặc áo hồng biết rằng chàng hỏi mình, bởi trong đám con gái chỉ có mình mặc áo ấy. Người con gái nếu muốn làm quen thì lựa một câu cho hợp, nhưng cố gắng sao cho ăn vần với từ cuối của câu chàng trai hỏi: “Em nay mười tám cặp kê/ Họ chê em xấu nên chưa có chồng”. Thế là đám bạn của cả hai bên hát phụ hoạ vun vào cho hai người làm quen. Nếu cô gái đã có bạn trai hoặc đã có chồng thì không thể ngồi lặng thinh mà cũng phải hát câu “đuổi” khéo: “Lúc đi cha mẹ dặn rồi/ Phận con con giữ đừng ngồi gần ai”

      Hát giao duyên là hát đường trường, trên nương đồi hoặc chợ phiên. Tiếng hát âm u, tâm sự, điệu trong sáng vút cao, điệu thì thầm như nói, chỗ lên giọng đối đáp… Sau cuộc hát về đêm, tiếng hát lắng dần im lặng. Hát giao duyên, tiếng hát hưng phấn trai gái yêu nhau, tự do lựa chọn, giải phóng con người. Nội dung hát giao duyên thường phong phú tình cảm, lời ca giàu hình ảnh văn chương. Tiếng hát bày tỏ tâm sự, tình yêu nam nữ, nội dung của hát giao duyên thể hiện trong các loại Lượn cọi, Lượn sli, Lượn Nàng ới…

      Hát giao duyên có nội dung bày tỏ tình yêu, tâm sự nam nữ. Lối hát tự nhiên, đầy bản sắc thiên nhiên con người. Nội dung nhiều điệu lượn có hình ảnh mộc mạc, dung dị, tình cảm. Như bài Sli bốc gần nguyên lời cổ sau:
                   
                        “Nhi an hai cô
                         Nhi an à lên
                         Đáo a chiều hố a sâu sân
                         
Nhi an a mong
                         
Có a thuồng luồng a che
                         
Núi a lấy bóng dâm.
                         
Ư nhi an hai anh
                         
Nhi an chúng em lê móng ứ sao cho ơ núi kia
                         
Nhi an chim phượng a đến trúc châu
                        Ồ lê a na lú nơi nhi an…”

      Lời bài ca là phiên âm ngôn ngữ Tiếng Việt, nhưng còn đầy chất dân giã tự nhiên của lời hát tình yêu. Lời hát tâm tình gần gũi với một không gian xã hội, thiên nhiên con người, tình yêu đằm thắm đẹp như hoa cỏ núi rừng.

      Trong lễ hội, hát giao duyên thường là từng đôi, từng nhóm trai gái gặp nhau qua mấy câu chào hỏi, đối đáp sau đó mới hát. Đầu tiên là vào hát mở sau đó mới đến phần hát đối, hát đối cũng có nhiều cách hoặc hát tập thể, hoặc nữ hát trước, hoặc nam hát trước. Nhiều buổi hát chợ phiên hay đi trên đường, họ dừng lại sau mấy câu chào hỏi, trò chuyện tâm sự, bỗng cả nhóm bên nữ hát điệu Sli bốc. Hình thức hát giao duyên bao gồm: Tỏ tình (hát giao duyên tỏ tình), hát đố và hát đối.

      Hát giao duyên tỏ tình là lời bày tỏ tình cảm của nam, nữ Tày trên không gian xã hội khi thiên nhiên và con người hoà hợp, mùa xuân hoa thơm trái ngọt, sương sớm long lanh hoà cùng điệu sli lượn say đắm. Hình thức hát tỏ tình là nam hát trước, hoặc nữ hát trước mang tính đối ca, bên này hỏi bên kia đáp. Một số vùng dân tộc có kiểu hát tập thể nữ hát trước, tập thể nam trả lời, hoặc một nam, một nữ đối đáp.

      Hát đố có lề lối hát thông minh, trí tuệ, thử tài văn chương, trí thông minh trong việc trả lời những câu hỏi mỗi bên đưa ra. Cả tập thể đang hát thì bỗng nhiên im lặng, một thiếu nữ ra câu đố, bên nam hát tập thể rồi tất cả cũng im lặng sau đó một nam đáp lời. Qua đó, nam nữ thích nhau và yêu nhau. Họ yêu nhau qua câu hát, sắc đẹp ánh mắt nụ cười. Ngày xưa, sau khi nghe hát song họ tách ra từng đôi đi riêng. Nên hát đố chính là hình thức hát để người Tày tìm thấy người yêu của mình.

      Hát đối đáp, nằm trong hình thức hát đố, nhưng khác đôi chút. Hát đố đôi khi chỉ là đối đáp thông thường, mới vào đầu câu chuyện tâm sự. Qua hát đối dần hiểu nhau, thích nhau, họ có tình cảm hợp nhau cùng ứng xử trong đối ca. Nam hát, nữ đối hoặc nữ đối, nam đáp. Đôi điệu chia hai, nam nữ hai bên cùng đối đáp, sau đối đáp tập thể là hát đôi… Hát đối đáp nhiều điệu tâm sự kể chuyện, thi tài, qua đó tìm hiểu tâm sự yêu đương. Hát đối đáp trong tình yêu như là để thăm dò cả về bản thân lẫn gia cảnh, thay vì phải nhỏ to tâm sự bằng lời. Nếu nói thật, nói thẳng với nhau e rằng khó nói hơn là dùng câu sli, câu lượn để giãi bày. Tuy nó văn hoa thật nhưng cốt lõi vẫn hướng về cái mình muốn nói. Buổi đầu dùng tiếng hát lời ca rất dễ làm quen, đã yêu rồi dùng ca từ càng dễ dàng bày tỏ. Có cuộc tình từ khi quen đến khi cưới mỗi chàng trai, cô gái phải hát tới cả ngàn câu. Không ai có thể thuộc sẵn cả ngàn câu đâu nhưng lúc hát phải sáng tạo ra. Sáng tạo hay thì được người yêu yêu nhiều hơn vì “anh là người có học cao, hiểu rộng, thông minh…” vì những lẽ đó mà hát giao duyên Tày rất phong phú. Sự phong phú về nội dung đã kéo theo sự phong phú về hình thức biểu hiện.

      Hát giao duyên thể hiện tình yêu người dân tộc tự nhiên như thiên nhiên hoang dã, tình cảm nhiều mà nói chẳng bao nhiêu, mang đậm âm vị hương sắc của núi rừng./.

Tác giả:  Vũ Thuý
Nguồn: