Triển khai hiệu quả các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Cùng với đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo thì việc triển khai hiệu quả các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.
|
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 54/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể, riêng trong năm 2021 đã hỗ trợ cho 23.818 lượt học sinh, mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn 596.000 đồng/tháng, hỗ trợ gạo 15kg/tháng và được hỗ trợ tiền nhà ở 149.000 đồng/tháng đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường. Thực hiện tốt các nội dung hỗ trợ đối với trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định.
Theo đánh giá của ngành chức năng và chính quyền các địa phương, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP đã tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đến trường, đặc biệt là học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, giúp cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo yên tâm để con em được đến trường.
Việc thực hiện các chính sách BHYT đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo quy định. Ngoài ra, người dân tộc thiểu số khác cũng được bảo đảm quyền lợi tham gia và cấp thẻ BHYT với các nhóm đối tượng khác nhau theo quy định của Luật BHYT, như: Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH…
Cùng với đó, chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng. Ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp tích cực, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc, đặc biệt là di sản văn hoá phi vật thể.
Cụ thể, nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được triển khai, như: Triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2021; tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao; xây dựng mô hình câu lạc bộ hát then - đàn tính; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Múa bát của người Tày” Bắc Kạn và “Lễ cấp sắc của người Dao tiền” xã Đôn Phong (Bạch Thông) đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tổ chức thẩm định, kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch 34 cơ sở trên địa bàn các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn, Na Rì, Ba Bể và thành phố Bắc Kạn; kiểm tra, rà soát và đánh giá lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đợt 1 tại các huyện, thành phố; kiểm tra hiện trạng để tu sửa cấp thiết di tích Phja Khao, xã Bản Thi (Chợ Đồn)…
Từ kết quả đã đạt được, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên, các sở, ngành phối hợp với UBND cấp huyện kịp thời phân bổ, bổ sung kinh phí hằng năm cho các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh; quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của học sinh bán trú; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện chính sách tại các cơ sở giáo dục.
Để phát huy hiệu quả của chính sách về BHYT, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về quyền và lợi ích về khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao; tiếp tục tăng cường bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc, đặc biệt là di sản văn hoá phi vật thể. Trong đó, chú ý tới việc hỗ trợ giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Tiếp tục tăng cường các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.../.