Cách đây 77 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 58 tổ chức Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tiền thân của Uỷ ban Dân tộc ngày nay. Tiếp đó, ngày 9/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số nhằm “nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trên toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.
Đây là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên của chính quyền cách mạng về công tác dân tộc. Trải qua các thời kỳ, tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ: Từ năm 1946 có tên là Nha Dân tộc thiểu số, từ năm 1959 có tên gọi Ủy ban Dân tộc, từ năm 1992 có tên gọi Ủy ban dân tộc và Miền núi, từ năm 2002 đến nay có tên gọi Ủy ban Dân tộc.
Như vậy, chỉ một năm sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc đã được thành lập. Chức năng, nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số được xác định trong sắc lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký là: “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, từ đó đến nay Quốc hội và Chính phủ đều có một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc. Khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác dân tộc, đồng thời thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc với Bác Hồ - Người đặt nền móng đầu tiên cho ngành công tác dân tộc, ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1491/QĐ-TTg lấy ngày 3/5 hàng năm là Ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, ngày 18/5/2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1028/QĐ-UB về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh trên cơ sở sáp nhập Phòng Dân tộc - Tôn giáo thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Chi cục Định canh Định cư - Kinh tế mới thuộc Sở NN&PTNN. Đến ngày 28/3/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 575/QĐ- UBND về việc đổi tên Ban Dân tộc và Tôn giáo thành Ban Dân tộc. Việc thành lập Ban Dân tộc càng cho thấy sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Quá trình thành lập đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của đồng bào các dân tộc thiểu số, việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, như:
Chương trình 134, 135, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1, 2021-2025. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh đã có nhiều chuyển biến quan trọng.
Kinh tế tăng trưởng khá, một bộ phận nhân dân vốn quen sản xuất tự cấp, tự túc đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, tạo ra một số vùng kinh tế hàng hoá, sản phẩm hàng hoá có giá trị trên thị trường, hạn chế việc du canh, du cư đốt phá rừng làm nương rẫy, xây dựng được những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Công tác giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến, số hộ nghèo giảm mỗi năm 2-3%. Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 24 xã, trong đó 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cở sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc và miền núi như: đường giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, chợ... được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân sinh của đồng bào các dân tộc. Văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện; việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và chăm lo công tác cán bộ vùng dân tộc thiểu số luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi ngày càng trưởng thành, gắn bó với nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Công tác dân tộc, quản lý nhà nước về dân tộc và hệ thống cơ quan nhà nước làm công tác dân tộc được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đã không ngừng trưởng thành toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, các thế hệ công chức, lãnh đạo làm công tác dân tộc trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và sự hợp tác của chính quyền, đoàn thể các cấp đối với công tác dân tộc trong thời gian qua. Mong rằng trong thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đón nhận sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân để sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác dân tộc nói riêng của tỉnh ngày càng phát triển.