HUYỆN NA RÌ TÍCH CỰC GIẢM NGHÈO
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các con cây giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích là mục tiêu quan trọng của huyện Na Rì trong giai đoạn 2016-2020.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho cộng đồng người dân, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc tạo sinh kế, giải quyết việc làm để tăng thu nhập giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Nhờ có sự chỉ đạo đồng bộ, sát sao từ huyện đến cơ sở, cùng với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc huyện Na Rì trong thực hiện cơ cấu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, áp dụng KHKT vào sản xuất phát huy lợi thế của địa phương nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, cách trung tâm tỉnh 69 km với tổng diện tích tự nhiên 85.299,76 ha. Dân số thời điểm 30/11/2019 là 42.086 người, trong đó dân tộc Kinh 2.884 người, chiếm 6,85%; dân tộc thiểu số 39.202 người, chiếm 93,14% trong đó hơn 90% dân số sống bằng nghề nông, trình độ thấp. Giai đoạn 2016-2020, huyện Na Rì có 17 xã và 14 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 (CT135), thu nhập bình quân 650 nghìn đồng/người/tháng thì hiện đã tăng lên được hơn 800 nghìn đồng/người/tháng”. Huyện phấn đấu hết năm 2020 nâng thu nhập bình quân của huyện lên trên 19 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn xuống dưới 20%; trong 4 năm (2016-2019);
Giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 23,371 triệu đồng; các hộ dân đóng góp 10,771 triệu đồng; Số hộ hưởng lợi 6.397 lượt hộ (trong đó: hộ nghèo 4.754, hộ, cận nghèo 1.515 hộ, hộ mới thoát nghèo 37 hộ, hộ khác 80); Các hộ tham gia dự án được trực tiếp lựa chọn nội dung hỗ trợ, đã tạo nên sự lan tỏa về phong trào phát triển kinh tế trong toàn huyện. Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo đã có nhiều biến chuyển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nguồn lực này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của 17 xã và 14 thôn đặc biệt khó khăn từ 47,13% năm 2016 xuống còn 29,41% cuối năm 2019; đã có 01 xã và 5 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, huyện vẫn còn tồn tại hạn chế đó là nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất hiện nay còn rất nhiều trong khi vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của CT135 hiện vẫn còn thấp chỉ bằng giai đoạn 2010-2015; chưa tạo được nhiều đột phá trong việc tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo với đặc điểm sản xuất của từng địa phương. Việc hỗ trợ sản xuất vẫn theo quy mô hộ gia đình, không có mô hình theo chuỗi, theo nhóm sở thích, tổ nhóm. Bên cạnh đó còn một bộ phận người nghèo vẫn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo,...
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc huyện nhà, thực hiện hiệu quả các Dự án thuộc hỗ trợ phát triển sản xuất, trong thời gian tiếp theo huyện sẽ tập trung xác định nhu cầu trợ giúp của từng hộ, tổng nguồn lực cần trợ giúp để huy động và lồng ghép, bố trí nguồn vốn từ các chương trình; đẩy mạnh đối thoại với người nghèo khi triển khai các chính sách hỗ trợ; tăng cường và đổi mới công tác truyền thông về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đến các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm thay đổi và chuyển biến về nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo để nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội khác. Tăng cường công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo; đặc biệt là công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2020 để đánh giá đúng kết quả giảm nghèo trong năm và làm cở sở thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách minh bạch và hiệu quả.