Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tết về trên làng miến Côn Minh

      Ở ngay hiên, trái nhà, ngoài sân trải đầy những mẹt, những nong, những sào phơi miến sóng sánh ánh nắng. Trong nhà, những lò tráng miến khói hơi nghi ngút trắng. Ngoài sân, dong riềng chất cao và tiếng máy xát bột, tiếng người cười nói..., tất cả tạo ra một khung cảnh lao động nhộn nhịp, hối hả. Đứng trước khung cảnh tấp nập của “làng miến” Lủng Vạng, xã Côn Minh, huyện Na Rỳ vào một ngày đầu tháng Chạp, ta mới cảm nhận rõ Tết đang cận kề.

 Những sợi miến sóng sánh ánh nắng

      Được biết, sSản xuất dong đã có mặt tại thôn Lủng Vạng, xã Côn Minh từ năm 1970. Lúc đầu dong riềng được đưa vào trồng với diện tích nhỏ lẻ, sau đó tăng dần lên và mở rộng trên phạm vi toàn xã. Nhưng phải đến khoảng những năm 1990 - 1991, khi những người dân miền xuôi lên Côn Minh lập nghiệp mang theo nghề làm miến dong thì nơi đây mới bắt đầu làm miến. Trong xã, hộ này phổ biến cho hộ kia cách làm, ban đầu chỉ để ăn vào dịp Tết, sau có khách qua đường mua miến về xuôi làm quà, vậy là miến dần trở thành hàng hoá và đến nay, miến dong Côn Minh đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh.

      Theo người dân thôn Lủng Vạng cho biết: Bột dong riềng sau khi trải qua những công đoạn sơ chế, ngâm ủ sẽ được đem đi tráng thành bánh, hấp chín rồi phơi. Những chiếc bánh tráng khổng lồ được căng trên tấm phên lớn và phơi ở mọi nơi, từ sân phơi trong nhà, trên sân thượng, bãi sân cỏ rộng và cả những con đường làng… Sau khi phơi đủ nắng, chúng được thu về, cán bằng máy thành những sợi miến nhỏ. Để sản phẩm thơm ngon, giòn và dai, miến phải phơi thêm một nắng nữa rồi mới đem đi đóng gói trước khi bán ra thị trường.

 Bánh tráng sau khi phơi nắng được cán thành miến

      Theo chia sẻ của ông Triệu Minh Đoàn - một hộ sản xuất miến tại thôn Lủng Vạng, xã Côn Minh: Loại miến đục mới là miến ngon, bởi nó được làm từ bột dong nguyên chất, không pha tạp. Sau khi nấu xong có thể để một ngày rồi nấu lại mà vẫn ngon như thường. Đây cũng là loại miến đắt nhất, hiện được bán với giá 40.000 đồng/kg tại xưởng. Những loại miến khác hình thức có đẹp hơn thì chất lượng cũng không bằng và giá chỉ khoảng 36.000 đồng/kg.

      Nghề làm miến dong ở xã Côn Minh diễn ra quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 8 âm lịch và kéo dài tới tháng Giêng năm sau. Bởi lẽ, trong thời gian này, thị trường cần một lượng lớn hàng để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.Ông Triệu Minh Đoàn cho biết thêm: Gần 2 tháng nay, “làng miến” Lủng Vạng đang chạy đua để sản xuất đủ lượng miến phục vụ nhu cầu Tết. Số lượng miến sản xuất ra trong những ngày này tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Gia đình tôi phải tập trung làm từ sáng sớm cho đến khuya mới mong đủ lượng hàng cung cấp cho thị trường.

 Miến được phơi nắng ở ngay hiên, trái nhà, ngoài sân

      Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, những năm trở lại đây, các hộ dân trong xã đã thành lập ra Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến miến dong Côn Minh để cùng nhau tìm tòi học hỏi, đầu tư công nghệ làm miến hiện đại thay cho phương pháp thủ công có năng suất cao hơn, tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.  Anh Nông Văn Chính - chủ cơ sở sản xuất miến dong Chính - Tuyển, xã Côn Minh cho biết: Sau chuyến tham quan học tập tại Hà Tây, tháng 10/2008, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong, đem lại năng suất cao, đạt 4 tạ/ngày. Với dây chuyền sản xuất này, gia đình anh có thể sản xuất miến quanh năm, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

 Miến được đóng gói chuẩn bị đem ra thị trường

      Bên cạnh việc tích cực đưa dây chuyển sản xuất miến khép kín vào vận hành để tăng năng suất, các hộ sản xuất, kinh doanh ở Côn Minh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững niềm tin về chất lượng thương hiệu miến dong Côn Minh trong lòng người tiêu dùng.

      Miến là món ăn thân thuộc của người dân Việt Nam, nhất là trong những mâm cỗ ngày Tết. Miến góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo. Với chất lượng, màu sắc, hương thơm đặc trưng, miến dong Côn Minh ngày càng trở thành một sản phẩm hàng hóa được đông đảo thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng./.

Tác giả:  Thu Cúc
Nguồn: