Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Pác Nặm: Vải chàm - nét duyên dệt nên trang phục dân tộc

“Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu

Vợ hay không biết thêu lanh thành tồi”

      Là con gái dân tộc ở huyện Pác Nặm, ngay từ khi còn bé đã được bà, được mẹ dạy cho cách trồng bông, dệt vải, thêu lanh, se sợi… Có con gái lớn trong nhà mà không biết khâu áo, may váy thì cũng không dễ lấy được chồng. Tuy nhiên đến nay, không còn nhiều thiếu nữ dân tộc biết trồng bông, dệt vải nữa. Làm sao để gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc? Đó là câu hỏi và cũng chính là nỗi niềm trăn trở của rất nhiều người muốn bảo tồn và phát huy nghề truyền thống quý giá này.

      Nghề thêu lanh, dệt vải đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Một vuông vải chàm có thể may váy, may áo, làm mặt gối, mặt chăn, làm khăn đội đầu, hay cũng có khi là dùng để thêu thùa, trang trí trong gia đình. Không biết từ bao giờ, vải chàm đã tạo nên nét duyên dáng trong trang phục của người con gái dân tộc, làm thăng hoa hương sắc thổ cẩm. Những họa tiết thổ cẩm với sắc màu rực rỡ, được khéo léo thêu trên nền sắc chàm dung dị đã tạo nên cái “hồn” của mỗi trang phục dân tộc; chỉ cần nhìn vào vuông vải cũng có thể nhận ra được nét tinh hoa văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền.

 Thiếu nữ Sán Chỉ duyên dáng trong tà áo chàm dệt thổ cẩm truyền thống

      Thông thường, ở Pác Nặm, khi tiết trời đã sang xuân, các mẹ, các chị sẽ rủ nhau lên nương gieo hạt. Hạt bông được trồng đầu tháng 2 âm lịch, và phải đến khoảng tháng 7, tháng 8 mới được thu hoạch. Khi ấy, những vạt nương trắng xóa hoa bông, nằm vắt vẻo lưng chừng sườn núi, xen lẫn màu xám của đá và màu xanh của núi rừng đã tạo nên một bức tranh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

      Sau khi thu hoạch bông, bà con sẽ đem phơi nắng cho thật khô rồi mới mang về quay tơ, se sợi. Dưới đôi bàn tay kỳ diệu của người phụ nữ dân tộc đã biến những sợi bông trắng, mảnh thành những tấm vải vuông vức. Vải sau khi dệt xong sẽ được ngâm, nhuộm với lá cây chàm. Bí quyết để có một tấm vải chàm đều màu, bền đẹp là khi ngâm thuốc nhuộm người ta thường cho thêm vào chút vôi bột trắng. Vải chàm của bà con dân tộc không mượt mà, mềm mịn như lụa hàng Hà Đông, nhưng lại phục vụ hữu hiệu trong cuộc sống và lao động sản xuất của người dân nơi đây. Mùa đông, khi những cơn gió mùa thổi xuyên qua kẽ lá, cái rét sương núi tê buốt, lạnh cóng đôi bàn tay, một chiếc áo khoác bông làm từ vải chàm sẽ giúp bà con bớt thấy giá lạnh. Mùa hè, khi mọi người rủ nhau lên nương, lên rẫy tra ngô, gieo hạt; cái nắng, cái gió làm gương mặt ai cũng đen sạm, bỏng rát, chiếc áo chàm lại như tấm khăn mát lạnh, thấm từng giọt mồ hôi chát mặn, xua đi cái nóng nực, oi bức ngày hè.

 Vải được nhuộm chàm và phơi nắng cho khô

      Tấm vải chàm dung dị, mộc mạc là thế, nhưng muốn làm được một tấm vải chàm đẹp để thêu các họa tiết hoa văn thổ cẩm, quả không phải là chuyện đơn giản. Với thiếu nữ Mông, trước khi lấy chồng, họ muốn may cho mình những chiếc váy đẹp nhất, rực rỡ nhất. Kỹ thuật thêu trên vải bằng sáp ong của người Mông đã có từ hàng ngàn năm tuổi. Đó là cả một quá trình lao động, sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm của bao thế hệ đi trước, truyền thụ lại cho con cháu đời sau.

 Chị Nông Thị Bày bên khung quay sợi

      Theo sự giới thiệu của bà con dân bản, chúng tôi tìm đến nhà chị Nông Thị Bày, người dân tộc Tày ở thôn Phai Khỉn, xã Nhạn Môn. Những ngày này, chị đang gấp rút chuẩn bị đồ cưới cho con gái út của mình. Theo phong tục người Tày, khi con gái đã đến tuổi lấy chồng, muốn về được nhà chồng cần chuẩn bị các vật dụng: chăn, màn, chiếu, gối… Và quần áo cưới cho cô dâu cũng phải theo đúng trang phục dân tộc.

      Chia sẻ với chúng tôi, chị Bày cho biết: “Các phong tục của dân tộc mình đã thay đổi nhiều, nhưng trong lễ cưới người Tày không thể thiếu tấm chăn, mặt gối, áo cưới cô dâu được thêu hoa văn từ vải chàm dân tộc. Con gái mình khác chúng mình ngày xưa nhiều lắm, giờ ít con gái trẻ biết làm lanh, thêu khăn, thêu áo. Đời con, đời cháu mình sau này không biết có ai còn giữ được nghề của ông bà, tổ tiên nữa”.

 Vải chàm được bày bán ở các phiên chợ vùng cao

      Đôi tay ai đã khéo chắt lọc nét hào hoa của sắc trời, hương núi, màu suối, vân mây, tình đất và hồn người để thêu dệt nên những vuông vải chàm thổ cẩm tuyệt vời, tinh tế nhất. Không có cái duyên, cái nợ của người trồng bông, kéo sợi, se tơ, dệt vải, thêu lanh, nhuộm thắm thì không thể tạo ra được những vuông vải chàm thổ cẩm rực rỡ sắc màu làm ngẩn ngơ, say đắm bước chân người du khách trong mỗi dịp phiên chợ vùng cao./.

Tác giả:  Lan Anh
Nguồn: