Skip Ribbon Commands
Skip to main content

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

      Xác định việc tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cốt lõi của Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI). Trong những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác dân vận, kịp thời chuyển tải nghị quyết, chỉ thị đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc, nhằm nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân.

      Theo đó, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn xã hội. Thông qua các chương trình, dự án đầu tư về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực; thương mại - dịch vụ phát triển khá; kinh tế nông nghiệp với cơ cấu đa dạng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 2,5%. Toàn tỉnh đã có 19/108 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ cứu đói, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo... được thực hiện kịp thời. Cùng với đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là người DTTS được các cấp ủy quan tâm, bố trí, sử dụng cán bộ luôn đảm bảo tỷ lệ cán bộ là người DTTS. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy tỉnh, huyện, thành phố và tương đương trên 70%; đối với các xã, phường, thị trấn bố trí, phân công đồng chí Phó Bí thư thường trực làm Trưởng khối dân vận. Ban Dân vận cấp huyện, phân công đồng chí ủy viên ban thường vụ làm trưởng ban. Có 7/8 huyện, thành phố đã tiến hành thí điểm hợp nhất Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.

      Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS còn có những hạn chế như: việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng ở một số cơ sở chưa thật kịp thời; sự phối hợp của các bộ phận làm công tác dân tộc của cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số hiện tượng mang tính tôn giáo, tổ chức bất hợp pháp xâm nhập ở vùng đồng bào DTTS và diễn biến ngày càng phức tạp. Cán bộ người DTTS nhìn chung còn thiếu, chưa có kinh nghiệm trong công tác.

      Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Bắc Kạn, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

      Một là, các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị các địa phương tập trung đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, trước hết phải xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên gương mẫu, hướng về cơ sở, phát huy dân chủ, gần dân, sát dân; cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng của đồng bào và yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

      Hai là, tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; rà soát, ban hành và thực hiện tốt chính sách dân tộc. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận 114-KL/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp. Triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội (khóa XIV) về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

      Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

      Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả đối với hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật trong vùng đồng bào DTTS.

      Năm là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận; đổi mới phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Chăm lo kiện toàn ban dân vận các cấp đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng theo quy định. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS (nhất là việc cần xác định chiến lược công tác cán bộ DTTS) và công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS.

      Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; phát huy vai trò của trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng kịp thời cổ vũ, động viên và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Quan tâm biểu dương, động viên người có uy tín tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác giả:  Ma Từ Đông Điền, Ủy viên Ban Thường vụ Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh
Nguồn:  cuồn Bản tin Công tác dân tộc